Đánh giá Giáo_dục_Việt_Nam_Cộng_hòa

Đánh giá của nhà phê bình văn học Thụy Khuê: "Có thể nói, trong suốt thời gian chia đôi đất nước, mặc dù với những tệ nạn của xã hội chiến tranh, tham nhũng; miền Nam vẫn có một hệ thống giáo dục đứng đắn. Trong chương trình giáo khoa, các giai đoạn lịch sử và văn học đều được giảng dạy đầy đủ, không thiên hướng. Ở bậc trung học học sinh gặt hái những kiến thức đại cương về sử, về văn, và tới trình độ tú tài, thu thập những khái niệm đầu tiên về triết học. Lên đại học, sinh viên văn khoa có dịp học hỏi và đào sâu thêm về những trào lưu tư tưởng Đông Tây, đồng thời đọc và hiểu được văn học nước ngoài qua một nền dịch thuật đáng tin cậy, dịch được những sách cơ bản. Nguyễn Văn Trung trong hồi ký đã nhấn mạnh đến sự tự trị của đại học, nhờ sự tự trị này mà các giáo sư có quyền giảng dạy tự do, không bị áp lực chính trị của chính quyền. Chính điều kiện giáo dục này, đã cho phép miền Nam xây dựng được một tầng lớp trí thức, một tầng lớp văn nghệ sĩ và một quần chúng độc giả; giúp cho nhiều nhà văn có thể sống bằng nghề nghiệp của mình. Và cũng chính tầng lớp trí thức và sinh viên này đã là đối trọng, chống lại chính quyền, khi có những biến cố chính trị lớn như việc đàn áp Phật giáo thời ông Diệm và việc đấu tranh chống tham nhũng (như vụ báo Sóng Thần) thời ông Thiệu."[128]

Từ ngày 7 đến ngày 28 tháng 6 năm 1975 (tức là sáu tuần sau sự kiện ngày 30 tháng 4), Arthur W. Galston, giáo sư sinh học ở Viện Đại học Yale, viếng thăm miền Bắc Việt Nam (lúc đó vẫn là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Theo tường trình của Galston cho tạp chí Science số ra ngày 29 tháng 8 năm 1975 thì một trong những chủ đề khiến các nhà lãnh đạo miền Bắc bận tâm vào lúc đó là vấn đề thống nhất với miền Nam. Theo tạp chí Science thì "Việc thống nhất trong lĩnh vực khoa học và giáo dục có lẽ sẽ có nhiều khó khăn vì hai miền đã phát triển theo hai chiều hướng khác nhau trong nhiều thập niên. Nhưng dù cho có nhiều khó khăn, Galston nhận thấy các nhà lãnh đạo miền Bắc công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhiều đặc điểm của nền khoa học và giáo dục ở miền Nam; họ dự định kết hợp những đặc điểm này vào miền Bắc khi quá trình thống nhất đang được thảo luận sôi nổi vào lúc đó thực sự diễn ra." Theo Galston, các nhà lãnh đạo miền Bắc, cụ thể được nhắc đến trong bài là Nguyễn Văn Hiệu (Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam) và Phạm Văn Đồng (Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), đặc biệt quan tâm đến hệ thống giáo dục nhấn mạnh đến các ngành kỹ thuật và điện tử cùng hệ thống các trường đại học cộng đồng hệ hai năm đã được thiết lập ở miền Nam.[129]

Nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh thì cho rằng: "Việt Nam Cộng hòa chết yểu, chỉ sống 20 năm (1955-1975), nên lý thuyết/dự tính/kế hoạch giáo dục cao siêu thì nhiều nhưng sự thể hiện trên thực tế lại chưa được trọn vẹn, vẫn còn bị nhiều bậc thức giả đương thời chỉ trích nặng nề. Có những kế hoạch được soạn thảo nhưng vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa có thời gian, điều kiện thực hiện, hoặc chỉ thực hiện được một phần nhỏ. Vài kế hoạch đôi khi chỉ phản ảnh sáng kiến của một vài cá nhân hay tập thể, giai đoạn đầu vẫn còn lúng túng chưa có một chính sách giáo dục rõ rệt và nhất quán từ trên xuống, sự phát triển có lúc còn thiếu định hướng, lộn xộn và chắp vá."[130]

Nhà nghiên cứu Võ Quang Phúc thì cho rằng nên giáo dục Việt Nam Cộng hòa tuy tự coi mình là "phi chính trị", nhưng thực chất vẫn phục vụ theo phương châm "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt" của Mỹ[131] Chỉ có những vùng đô thị, các loại trường trung học mới phát triển. Đến năm học 1970 - 1971, riêng vùng Sài Gòn - Gia Định đã chiếm 13% trường tiểu học) và 24 % (trường trung học), sự mất cân đối này cho thấy khẩu hiệu “giáo dục đại chúng”, “giáo dục cho mọi người” của chính quyền Sài Gòn chỉ là giả tạo. Chính cố vấn Mỹ Donald M. Knox, Trưởng phái đoàn cố vấn Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã nhận xét: toàn miền Nam có khoảng 2,6 triệu trẻ em tuổi từ 12 - 18 nhưng chỉ có 60 vạn trẻ em có chỗ học trong các trường trung học. Nội san AĐS cho biết: “Cứ 100 em vào lớp đầu của bậc tiểu học thì chỉ có 3 em được học trung học đệ nhị cấp, còn 97 em bị hất ra ngoài nền giáo dục đại chúng của ông Thiệu, và trong tiểu học có 51% học sinh không được học lên lớp 4”[16] Tác giả Nguyễn Tử Lộc là một giáo viên ở miền Nam thời kỳ đó nhận xét[21]:

“Giáo dục Việt Nam Cộng hòa vẫn ca tụng những lý tưởng nhân bản, dân tộc, khoa học, khai phóng: Còn gì quý báu, cao cả hơn. Nhưng nhân bản ở chỗ nào khi một nửa số trẻ em trai gái không được đi học tiểu học; khi 50% dân chúng còn mù chữ? Nhân bản chỗ nào khi nó chỉ nhằm phục vụ cho một thiểu số trưởng giả ở thành thị; khi đại đa số nhân dân nông thôn và thành thị nghèo hèn bị lãng quên và khinh bỉ? Dân tộc ở chỗ nào khi chính tiếng quốc ngữ bị các nhà đại trí thức khinh bỉ, chà đạp; khi giai cấp thượng lưu của xã hội cho con cái đi học trường Tây, trường Mỹ...? Khoa học ở chỗ nào khi có cái học từ chương, buôn bằng bán chữ; khi tổng số học sinh, sinh viên kỹ thuật chỉ là 0,5% tổng số học sinh, sinh viên; khi sự mê tín dị đoan còn ngự trị trong khắp miền thôn quê 80% dân số? Khai phóng ở đâu khi chung quanh toàn những cảnh ngông cuồng, ăn cướp, ăn cắp... đưa lên làm mẫu mực;...khi những bộ mặt to lớn chường ra đầy dơ bẩn và độc hại? Khi xã hội dành cho đại đa số thế hệ đang lên số phận bi đát của bần cùng, nhục nhã, lầm than, tuyệt vọng?"

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giáo_dục_Việt_Nam_Cộng_hòa http://www.personal.usyd.edu.au/~cdao/booksv/tvrgd... http://www.personal.usyd.edu.au/~cdao/booksv/tvrgd... http://vuongtrinhan.blogspot.com/2014/12/may-cam-n... http://www.calitoday.com/news/view_article.html?ar... http://www.erct.com/2-ThoVan/0-ThanHuu/HoaGiang/LS... http://www.erct.com/2-ThoVan/3-Unna/Giao_duc_VN.ht... http://www.haivannews.com/default.asp?sourceid=&sm... http://www.hanvota.com/nhac/Frame_Nav/nav_GUITAR-n... http://www.hocviencsqg.com/QuaTrinhThanhLapHocVien... http://www.nationsencyclopedia.com/Asia-and-Oceani...